icon icon icon

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ IV VÀ NĂM 2022

Đăng bởi ITEMS JSC. vào lúc 29/09/2023

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ IV VÀ NĂM 2022

BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Kinh tế – xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Mặc dù, dự báo gần đây nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng so với các dự báo đưa ra trong quý III/2022 nhưng đều ở mức thấp hơn so với năm 2021.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2022 như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại.

GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04% điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 . Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8%[8] do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.

a) Nông nghiệp

Diện tích lúa năm 2022 ước đạt 7,1 triệu ha, giảm 127,7 nghìn ha so với năm trước do ngành trồng trọt tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả hoặc không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với năm trước; sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn; trong đó, giảm 0,89 triệu tấn do giảm diện tích đất trồng lúa và giảm 0,3 triệu tấn do giảm năng suất.

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân đạt 2.975,6 nghìn ha, giảm 30,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước; năng suất đạt 67,1 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha do giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng cao người dân hạn chế đầu tư chăm sóc; sản lượng ước đạt gần 20 triệu tấn, giảm 648,5 nghìn tấn.

Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay đạt 1.914,7 nghìn ha, giảm 38,1 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2021; năng suất ước đạt 56,6 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn, giảm 304,3 nghìn tấn.

Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2022 ước đạt 648,7 nghìn ha, giảm 70,6 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước; năng suất đạt 56 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 390,1 nghìn tấn.

Vụ mùa năm nay cả nước gieo cấy được 1.553,1 nghìn ha, tăng 11,9 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước đạt 52,9 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn, tăng 151,9 nghìn tấn.

Sản lượng ngô năm 2022 đạt 4,41 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm 2021, lạc đạt 409,6 nghìn tấn, giảm 4,8%; đậu tương đạt 52,2 nghìn tấn, giảm 11,9%; khoai lang đạt 969,1 nghìn tấn, giảm 21,3%; sản lượng rau, đậu đạt 18,68 triệu tấn, tăng 2,9%.

Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm đạt 2.194,3 nghìn ha, giảm 0,4% so với năm 2021, trong đó: Cao su đạt 929,5 nghìn ha, giảm 0,1%, sản lượng đạt 1.291,5 nghìn tấn, tăng 1,5%; cà phê diện tích đạt 709,6 nghìn ha, giảm 0,1%, sản lượng đạt 1.896,8 nghìn tấn, tăng 2,8%; chè diện tích đạt 123,7 nghìn ha, tăng 0,9%, sản lượng chè búp đạt 1.109,8 nghìn tấn, tăng 3,4%; điều diện tích đạt 311,6 nghìn ha, giảm 0,9%, sản lượng đạt 335,5 nghìn tấn, giảm 16%; hồ tiêu diện tích đạt 119,9 nghìn ha, giảm 4,4%, sản lượng đạt 269,9 nghìn tấn, giảm 2,1%.

Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả như sau: Chuối đạt 2.498,7 nghìn tấn, tăng 6,5% so với năm trước; cam đạt 1.713 nghìn tấn, tăng 8,2%; bưởi đạt 1.119,3 nghìn tấn, tăng 8,2%; sầu riêng đạt 849,1 nghìn tấn, tăng 25%; dứa đạt 753,2 nghìn tấn, tăng 3,7%; nhãn đạt 623,8 nghìn tấn, tăng 2,7%; thanh long đạt 1.207 nghìn tấn, giảm 13,5%; xoài đạt 968,7 nghìn tấn, giảm 3,1%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc.

b) Lâm nghiệp

Năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 300,1 nghìn ha, tăng 3,4% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 107,4 nghìn ha, tăng 0,9%); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 101,2 triệu cây, tăng 5,3% (quý IV/2022 đạt 30,7 triệu cây, tăng 5,1%); sản lượng gỗ khai thác đạt 19,7 triệu m3, tăng 7,2% (quý IV/2022 đạt 5.955,8 nghìn m3, tăng 8,9%); sản lượng củi khai thác đạt 18,6 triệu ste, tăng 0,1% (quý IV/2022 đạt 4,7 triệu ste, giảm 0,9%).

Diện tích rừng bị thiệt hại năm 2022 của cả nước là 1.121,9 ha, giảm 56,9% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 41,4 ha, giảm 97,3%; diện tích rừng bị chặt, phá là 1.080,5 ha, giảm 0,8%.

c) Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 9.026,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 2.426,5 nghìn tấn, tăng 2,8%), bao gồm: Cá đạt 6.483,9 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 1.233,5 nghìn tấn, tăng 7,2%; thủy sản khác đạt 1.308,9 nghìn tấn, tăng 1,3%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm nay ước đạt 5.163,7 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 1.555,3 nghìn tấn, tăng 4,5%), bao gồm: Cá đạt 3.494,3 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 1.080,6 nghìn tấn, tăng 8,5%; thủy sản khác đạt 588,8 nghìn tấn, tăng 5,3%.

Sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 ước đạt 3.862,6 nghìn tấn, giảm 1,8% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 871,2 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước), bao gồm: Cá đạt 2.989,6 nghìn tấn, giảm 1,9%; tôm đạt 152,9 nghìn tấn, giảm 0,8%, thủy sản khác đạt 720,1 nghìn tấn, giảm 1,7%. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.664,5 nghìn tấn, giảm 2% so với năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 2.859,3 nghìn tấn, giảm 2,1%, tôm ước đạt 139,2 nghìn tấn, giảm 1%.

3. Sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,19% (do sản lượng khai thác than tăng 4,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 8,3%), đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có xu hướng giảm trong quý IV do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý IV/2022 tăng 3%. Chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7,8%

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 tăng 7,1% so với năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 21,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%).

4. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021; 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 66,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.172,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 59,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

c) Khoa học và công nghệ

Về lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tính đến tháng 11/2022, tiếp nhận 71.071 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; xử lý 68.157 đơn, tăng 5%; cấp 43.444 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, tăng 22,1%.

Về chuyển đổi số, trên cổng dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 22/12/2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.298 thủ tục; 2.439 dịch vụ công cho công dân, 2.253 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là 155,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là 6,7 triệu hồ sơ.

Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) , năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021 (Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Xin-ga-po (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với I-ran (hạng 53) và Phi-li-pin (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

5. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2022 khôi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 29,4% so với năm trước; khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Hai năm 2022 ước đạt 515,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2022 ước đạt 1.514,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).

Năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.664,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 52,8% so với năm trước (năm 2021 giảm 32,7%) và luân chuyển đạt 171,8 tỷ lượt khách.km, tăng 78,3% (năm 2021 giảm 40,9%). Vận tải hàng hóa ước đạt 2.009,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,7% so với năm trước (năm 2021 giảm 8,4%) và luân chuyển 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% (năm 2021 tăng 0,5%).

Doanh thu hoạt động viễn thông năm 2022 ước đạt 333,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%). Tại thời điểm cuối tháng 12/2022, tổng số thuê bao điện thoại ước đạt 129,7 triệu thuê bao, tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 127,2 triệu thuê bao, tăng 3,7%; số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định ước đạt 21 triệu thuê bao, tăng 8,6%.

Trong tổng số gần 3.661,2 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.277,2 nghìn lượt người, chiếm 89,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,5 lần so với năm trước; bằng đường bộ đạt 380,9 nghìn lượt người, chiếm 10,4% và gấp 8,4 lần; bằng đường biển đạt 3,1 nghìn lượt người, chiếm 0,1% và gấp 5,1 lần. Khách đến từ châu Á đạt 2.595,8 nghìn lượt người, gấp 19,5 lần năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 508,4 nghìn lượt người, gấp 31,8 lần; khách đến từ châu Mỹ đạt 388,9 nghìn lượt người, gấp 67,6 lần; khách đến từ châu Úc đạt 156,6 nghìn lượt người, gấp 125,2 lần; khách đến từ châu Phi đạt 11,5 nghìn lượt người, gấp 8 lần.

6. Năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất để phù hợp với bối cảnh quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi của khách hàng; thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).

Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2022 tăng 16,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,8%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 17,3% (quý IV/2022 ước tính tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,6%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 16,4%).

Thị trường chứng khoán năm 2022 sụt giảm mạnh so với năm 2021 trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn cho vay, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/12/2022, chỉ số VNIndex đạt 993,7 điểm, giảm 5,22% so với cuối tháng trước và giảm 33,68% so với cuối năm trước. Tính đến ngày 15/12/2022, mức vốn hóa thị trường ước đạt 5.263 nghìn tỷ đồng, giảm 32,2% so với cuối năm 2021. Thị trường cổ phiếu hiện có 757 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2021. Trên thị trường trái phiếu, có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.708 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2021. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, bình quân năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.484 hợp đồng/phiên, tăng 43% so với bình quân năm trước; chứng quyền có bảo đảm đạt 32,69 triệu chứng quyền/phiên, tăng 53%.

7. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước (quý IV/2022 đạt 1.089,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 824,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng vốn và tăng 14,6% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.873,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% và tăng 8,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 521,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,2% và tăng 13,9%

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.561 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,42 tỷ USD và 2.005 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị gần 2,73 tỷ USD.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD).

  1. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước tăng 13,8% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,1% so với năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước; thu từ dầu thô đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng 72,5% so với năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 1.026,2 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% dự toán năm và tăng 5,6% so với năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 435,7 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8% và tăng 22,2%; chi trả nợ lãi 97,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94% và giảm 7,9%.

9. Trong tháng Mười Hai, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

a) Xuất nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 145,2% so với năm 2021 (quý IV/2022 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 204,2%), trong đó: Dịch vụ du lịch đạt 3,8 tỷ USD (chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ), tăng gần 25 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,6 tỷ USD (chiếm 43,4%), tăng 165,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2022 ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10,7%), trong đó: Dịch vụ vận tải đạt 12,4 tỷ USD (chiếm 48,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ), tăng 18,3%; dịch vụ du lịch đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 25,6%), tăng 70,8%. Nhập siêu dịch vụ năm 2022 là 12,6 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 9 tỷ USD).

10. Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

 Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó: 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng. Quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021.

Còn tiếp ....

Nguồn : https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2022/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/

 

 

 

 

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: