Sản xuất hóa chất trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn
Báo cáo tổng kết cuối năm 2022 của các công ty hóa chất lớn tại Mỹ cho thấy, ngành công nghiệp hóa chất Mỹ đã phải đối mặt với nhiều trở ngại trong năm 2022, đặc biệt là ở nửa sau của năm.
Trong báo cáo tổng kết quý I/2023, Công ty Dow Chemical cho biết đã phải tiếp tục ghi nhận tình trạng thua lỗ. Doanh số của Công ty trong quý I chỉ đạt 11,9 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã phải chịu lỗ ròng 73 triệu USD trong quý này, trong khi đó đã đạt lợi nhuận gần 1,6 tỷ USD trong quý I năm trước. Theo giám đốc điều hành của Dow Chemical, lợi nhuận ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Công ty đều giảm do kinh tế vĩ mô trên toàn cầu tiếp tục suy yếu.
Tại châu Âu, báo cáo kết quả sơ bộ quý I/2023 của các công ty hóa chất BASF và Covestro cho thấy, năm 2023 có vẻ như đã khởi đầu không thuận lợi đối với công nghiệp hóa chất châu Âu. Doanh thu của BASF trong quý này dự tính giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích thị trường. Là nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, BASF cho biết doanh số của mình đã giảm đáng kể. Tuy lợi nhuận dự kiến tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng quý I/2022 Công ty đã phải chịu tổn thất lớn sau khi công ty liên kết Wintershall Dea rút khỏi hoạt động ở Nga.
Một công ty hóa chất khác của Đức là Covestro báo cáo doanh thu quý I/2023 giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự kiến sẽ phải chịu mức lỗ nhỏ trong quý này. Tuy nhiên, giám đốc Covestro cho rằng những kết quả quý này đã tốt hơn đáng kể so với dự báo đầu năm.
Triển vọng trong thời gian tới
Trong báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, Công ty DuPont dự báo kết quả hoạt động của mình sẽ tốt hơn trong nửa sau năm 2023 nhờ nhu cầu về hàng điện tử tiêu dùng trong khi mức hàng tồn kho ở các công ty khách hàng đã trở về bình thường và Trung Quốc đã tái mở cửa nền kinh tế. Năm 2022, DuPont đã phải vật lộn với chi phí tăng cao và các hạn chế của chuỗi cung ứng, do đó đã phải tăng giá bán của nhiều sản phẩm.
Trung Quốc chiếm 20% doanh thu của DuPont nhưng trong năm 2022 đã áp dụng chính sách zero covid chặt chẽ, trái với phần còn lại của thế giới, vì vậy đã chịu nhiều tổn thất về kinh tế. Tuy đã hủy bỏ chính sách zero covid-19 trong tháng 12/2022 nhưng sau đó Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng các ca nhiễm covid-19 tăng cao.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp tăng nhu cầu đối với các sản phẩm trên thị trường, vì vậy Công ty DuPont dự báo doanh thu năm 2023 sẽ đạt 12,90 tỷ USD.
Tuy nhiên, những báo cáo mới đây cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm bất ngờ trong tháng 4/2023. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải vất vả duy trì động lực cho quá trình hồi phục kinh tế của mình.
Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, trong quý IV/2022 Trung Quốc đã mở rộng hoạt động kinh tế với tốc độ nhanh nhất nhờ động lực là chi tiêu của người tiêu dùng, khi việc hủy bỏ những hạn chế vì dịch COVID-19 đã mở cửa cho các hoạt động của xã hội. Một số ngân hàng lớn đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc lên khoảng 6% hoặc cao hơn, dự kiến nền kinh tế này sẽ vượt mức tăng trưởng 5% do chính phủ đề ra.